Lịch sử hoạt động Boeing_B-17_Flying_Fortress

Một đội hình lớn những chiếc B-17F thuộc Liên đội Ném bom 92 bên trên bầu trời châu Âu.

B-17 bắt đầu hoạt động trong Thế Chiến II với Không quân Hoàng gia Anh từ năm 1941, các đơn vị Không lực 8Không lực 15 của Không lực Lục quân Hoa Kỳ từ năm 1942, và được dùng chủ yếu trong các chiến dịch ném bom chiến lược chính xác ban ngày các mục tiêu công nghiệp của Đức. Chiến dịch Pointblank (Điểm trắng) là những trận tấn công có định hướng chuẩn bị cho tấn công trên bộ.[4]

Những chiếc B-17 Flying Fortress tại Tây Âu trong Thế Chiến II

Trong Thế Chiến II, B-17 được trang bị cho 32 liên đội đóng ở nước ngoài, số lượng cao nhất là vào tháng 8 năm 1944 với 4.574 chiếc thuộc Không lực Mỹ khắp thế giới,[38] và đã ném 640.036 tấn bom xuống các mục tiêu tại châu Âu (so với 452.508 tấn ném bởi Liberator và 463.544 tấn bởi tất cả các máy bay Mỹ khác). Có khoảng một phần ba số máy bay B-17, tức khoảng 4.750 chiếc, bị mất trong chiến đấu.[9]

Không quân Hoàng gia Anh

Fortress B.I số hiệu AN529 của Không quân Hoàng gia Anh, nguyên là chiếc B-17C Không lực Mỹ số hiệu 40-2065. Ngày 8 tháng 11 năm 1941 tại Bắc Phi.

Không quân Hoàng gia Anh (RAF) tham gia Thế Chiến II mà không có được máy bay ném bom hạng nặng của riêng họ mãi đến tận năm 1941, khi Short StirlingHandley Page Halifax mới trở thành những máy bay ném bom chủ lực. Đầu năm 1940, Không quân Hoàng gia đạt được thỏa thuận với Không Lực Mỹ để được cung cấp 20 chiếc B-17C, được đặt tên lại là Fortress I. Chiến dịch đầu tiên của chúng là ném bom xuống thành phố Wilhelmshaven, Hạ Saxony, ngày 8 tháng 7 năm 1941.[33][39][40] Vào lúc đó, Không Lực Mỹ quy ước việc ném bom tầm cao là ở độ cao 6 km (20.000 ft), nhưng để tránh bị các máy bay tiêm kích đánh chặn, Không quân Hoàng gia đã ném bom vào các căn cứ hải quân ở độ cao 9 km (30.000 ft).[41] Chúng đã không thể ném bom trúng đích, và nhiệt độ quá lạnh làm các súng máy bị đông cứng không hoạt động.[42] Ngày 24 tháng 7, họ thử lại trên một mục tiêu khác, thành phố BrestPháp, và cũng không trúng đích.

Đến tháng 9, sau khi Không quân Hoàng gia bị mất tám chiếc B-17C trong chiến đấu hay do tai nạn, Bộ Chỉ huy Ném bom đã từ bỏ việc ném bom chính xác ban ngày do khả năng kém cỏi của những chiếc Fortress I. Những chiếc còn lại được chuyển cho nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm phòng thủ duyên hải.[42] Kinh nghiệm trên đã chứng minh cho cả Không quân Hoàng gia lẫn Không Lực Mỹ tình trạng không sẵn sàng chiến đấu của chiếc B-17C, và nó cần được cải tiến về phòng thủ, tăng tải trọng bom và phương pháp ném bom chính xác hơn vào trong các phiên bản tiếp theo. Hơn nữa, ngay cả với các cải tiến này, chỉ còn có Không Lực Mỹ, chứ không phải Không quân Hoàng gia, còn giữ ý định sử dụng B-17 trong vai trò ném bom ban ngày.[41]

Bộ chỉ huy Ném bom Không quân Hoàng gia đã chuyển giao những chiếc Fortress I còn lại sang Bộ Chỉ huy Duyên hải để sử dụng trong vai trò máy bay tuần tra tầm cực xa. Chúng được tăng cường vào tháng 8 năm 1942 bởi 19 chiếc Fortress Mk II (B-17F) và 45 chiếc Fortress Mk IIA (B-17E).[43] Một chiếc Fortress của Phi Đội 206 RAF đã đánh chìm tàu ngầm U-627 vào ngày 27 tháng 10 năm 1942, chiếc đầu tiên trong tổng số 11 chiếc U-boat bị đánh chìm do máy bay Fortress của Không quân Hoàng gia trong chiến tranh.[44]

Phi đội 223 Không quân Hoàng gia Anh, một đơn vị của Liên đội 100, đã sử dụng một số ít máy bay Fortress nhằm hỗ trợ cuộc tấn công ném bom làm nhiễu mạng lưới radar của Đức.[45]

Không lực Mỹ

Bốn nữ phi công rời khỏi chiếc "Pistol Packin' Mama" của họ sau buổi tập của đơn vị Nữ Phi công Phục vụ Không lực (WASP) tại căn cứ Lockbourne, Ohio; được huấn luyện để vận chuyển máy bay B-17 Flying Fortress đến chiến trường. Từ trái sang phải: Frances Green, Marget (Peg) Kirchner, Ann Waldner và Blanche Osborn.

Không lực Mỹ (tên đầy đủ là Không lực Lục quân Hoa Kỳ/USAAF năm 1941) sử dụng B-17 và các kiểu máy bay ném bom trong các phi vụ ném bom chính xác ban ngày ở tầm cao bằng cách sử dụng một thiết bị mà cho đến lúc ấy còn đang được giữ bí mật, là bộ ngắm ném bom Norden, một thiết bị quang học với con quay hồi chuyển cơ-điện điều khiển bằng máy tính. Trong các phi vụ ném bom ban ngày, thiết bị có khả năng xác định, thông qua các tham số do sĩ quan ném bom đưa vào, điểm thả bom có khả năng trúng đích. Trong lúc ném bom, quyền kiểm soát lái máy bay được chuyển cho sĩ quan ném bom, duy trì một độ cao ngang bằng vào những phút cuối.[46]

Không lực Mỹ khởi sự gầy dựng lực lượng tại châu Âu với máy bay B-17E không lâu sau khi Mỹ tham gia Thế Chiến II. Các đơn vị đầu tiên của Không lực 8 đến High Wycombe, Anh Quốc ngày 12 tháng 5 năm 1942, thành lập nên Liên đội Ném bom 97.[12] Ngày 17 tháng 8 năm 1942, 18 chiếc B-17E của Liên đội 97, bao gồm chiếc Yankee Doodle do Thiếu tướng Paul Tibbets và Chuẩn tướng Ira Eaker chỉ huy, được hộ tống bởi những máy bay tiêm kích Supermarine Spitfire của Không quân Hoàng gia, tham dự trận ném bom đầu tiên của Không lực Mỹ tại châu Âu xuống ga đầu mối đường sắt tại Rouen-Sotteville trên nước Pháp.[12][47] Chiến dịch hoàn toàn thành công chỉ với những hư hại nhẹ cho hai máy bay.

Chiến lược tấn công phối hợp

Những chiếc B-17F ném bom xuyên qua mây nhờ hướng dẫn bằng radar tại Bremen, Đức, 13 tháng 11 năm 1943.

Hai chiến lược khác nhau của Bộ chỉ huy ném bom Hoa Kỳ và Anh Quốc được tổ chức lại tại Hội nghị Casablanca vào tháng 1 năm 1943. Kết quả là Chiến dịch Pointblank được vạch ra nhằm một chiến lược "Phối hợp tấn công ném bom" nhằm làm suy yếu quân đội Đức Quốc xã và chiếm được ưu thế trên không nhằm chuẩn bị cho việc tấn công trên bộ.[4] Chiến dịch Pointblank mở đầu bằng các cuộc tấn công các mục tiêu tại Tây Âu. Tướng Ira C. Eaker và Không lực 8 đặt ưu tiên cao nhất trong việc tấn công vào công nghiệp hàng không Đức, đặc biệt là các nhà máy lắp ráp máy bay tiêm kích, chế tạo động cơ và chế tạo vòng bi.[4]

Ngày 17 tháng 5 năm 1943, một cuộc tấn công vào nhà máy của Focke-Wulf tại Bremen thực hiện bởi 115 chiếc Fortress mang lại ít kết quả, 16 chiếc bị bắn rơi và 48 chiếc khác bị hư hại.[48] Tuy nhiên cuộc tấn công cũng mang lại hiệu quả là khoảng phân nửa lực lượng tiêm kích trong Không quân Đức bị buộc phải chuyển sang nhiệm vụ chống máy bay ném bom.

Vì việc ném bom các sân bay Đức không làm giảm được tương xứng sức mạnh của máy bay tiêm kích Đức, nên đã có thêm các liên đội B-17 được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu của Eaker mở các chiến dịch đánh sâu hơn vào các mục tiêu công nghiệp Đức quan trọng. Giờ đây Không lực 8 nhắm đến các nhà máy vòng bi tại Schweinfurt, hy vọng sẽ bóp nghẹt các nỗ lực chiến tranh ở đây. Đợt tấn công đầu tiên ngày 17 tháng 8 năm 1943 không gây được tổn hại đáng kể nào cho nhà máy; trong khi với tổng số 230 chiếc B-17 tham gia tấn công bị đánh chặn bởi khoảng 300 máy bay tiêm kích Không quân Đức, đã có 36 máy bay bị bắn rơi và tổn thất 200 người. Cùng với trận không kích cùng ngày trước đó nhắm vào Regensburg, tổng cộng có 60 chiếc B-17 bị mất trong ngày đó.[49]

Một nỗ lực thứ hai vào ngày 14 tháng 10 năm 1943 mà sau này được biết đến như là "ngày thứ ba đen tối".[50] Trong số 291 chiếc Fortress tham gia tấn công, 59 bị bắn rơi trên đất Đức, một chiếc rơi xuống eo biển Anh, năm chiếc rơi trên đất Anh, và 12 chiếc nữa bị loại bỏ vì hư hại quá mức có thể sửa chữa được, tổng cộng có 77 chiếc B-17 bị mất. 122 chiếc khác bị hư hại cần sửa chữa trước khi có thể tiếp tục bay. Trong tổng số 2.900 nhân viên phi hành, có 650 người không quay về, cho dù một số còn sống sót và bị bắt làm tù binh chiến tranh. Năm người chết và 43 bị thương trên những chiếc máy bay quay trở về được, và 594 người được ghi nhận là mất tích. Chỉ có 33 chiếc máy bay ném bom hạ cánh mà không bị hư hại. Tổn thất lớn lao như thế là kết quả của việc tập trung hơn 300 máy bay tiêm kích Đức.[51]

Đội hình những chiếc B-17F bên trên bầu trời Schweinfurt, Đức, 17 tháng 8 năm 1943.

Tổn thất của các đội bay là không thể bù đắp được, và Không Lực, ý thức sự mong manh của những máy bay ném bom hạng nặng trước các kiểu máy bay tiêm kích đánh chặn, đã tạm ngưng các cuộc không kích ban ngày sâu vào lãnh thổ Đức cho đến khi phát triển được kiểu máy bay tiêm kích hộ tống tầm xa có khả năng bảo vệ những máy bay ném bom suốt hết chặng đường từ Anh sang Đức và ngược lại. Chỉ riêng Không lực 8 đã mất 176 máy bay ném bom trong tháng 10 năm 1943,[52] và họ cũng chịu tổn thất tương đương như vậy vào ngày 11 tháng 1 năm 1944 trong các chiến dịch không kích Oschersleben, HalberstadtBrunswick. Tướng Doolittle đã ra lệnh ngưng cuộc không kích này do thời tiết trở nên quá xấu, nhưng những đơn vị đi đầu đã bay đến khu vực chiến sự và tiếp tục thực hiện chiến dịch, trong khi các máy bay hộ tống đã quay về hoặc không đến được điểm hẹn. Kết quả là 60 chiếc B-17 đã bị phá hủy.[53][54]

B-17G thuộc Liên đội Ném bom 384 đang thả bom.

Cuộc tấn công thứ ba nhắm vào Schweinfurt ngày 24 tháng 2 năm 1944 được ghi dấu sau này như là "Tuần lễ Vĩ đại". Với những chiếc máy bay tiêm kích P-51 MustangP-47 Thunderbolt (trang bị thùng nhiên liệu phụ vứt được cải tiến để tăng tầm bay) theo hộ tống suốt chặng đường đến mục tiêu và quay trở về, chỉ có 11 trong số 231 chiếc B-17 bị mất.[55] Máy bay tiêm kích hộ tống tầm xa đã giúp làm giảm tỉ lệ tổn thất dưới 7%, nên chỉ có 244 chiếc B-17 bị mất trong 3500 phi vụ được thực hiện trong "Tuần lễ Vĩ đại".[56][57]

Cho đến tháng 9 năm 1944, 27 trong tổng số 40 liên đội ném bom của Không lực 8 và sáu trong tổng số 21 liên đội ném bom của Không lực 15 sử dụng B-17. Tổn thất do pháo phòng không gây ra cho những máy bay ném bom hạng nặng tiếp tục ở mức độ cao trong suốt năm 1944, nhưng cho đến ngày 27 tháng 4 năm 1945, (hai ngày sau trận ném bom hặng nặng lớn cuối cùng xuống châu Âu) mức độ tổn thất thấp đến mức không cần bổ sung máy bay thay thế và số lượng máy bay trong mỗi liên đội ném bom được giảm bớt. Đợt phối hợp tấn công chiến lược đã được kết thúc một cách rất hiệu quả.[58]

Mặt trận Thái Bình Dương

Chiếc B-17C Không lực số hiệu 40-2074 tại sân bay Hickam, Trân Châu Cảng. Khi Đại úy Raymond T. Swenson hạ cánh vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, hỏa lực đối phương đã bắn trúng hộp chứa pháo sáng giữa thân làm cắt rời chiếc máy bay làm hai phần. Một thành viên đội bay thiệt mạng do bắn phá càn quét của Zero. Ảnh chụp bởi Tai Sing Loo. Mũ của Loo có thể nhìn thấy dưới đất.[59]

Sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, một nhóm 12 chiếc B-17 thuộc các Phi đội Trinh sát 38 (bốn chiếc B-17C) và 88 (tám chiếc B-17E) trên đường đi đến tăng cường cho lực lượng tại Philippine, đã bay từ sân bay Hamilton, California đến Trân Châu Cảng, và đến nơi ngay vào giữa trận tấn công của quân Nhật. Leonard "Smitty" Smith Humiston, phi công phụ trên chiếc B-17C số hiệu 40-2049 của Trung úy Robert H. Richards, thoạt tiên cho là Hải quân đang bắn 21 loạt đạn pháo chào mừng những chiếc máy bay ném bom mới đến, để sau đó ông mới nhận ra rằng Trân Châu Cảng đang bị tấn công. Chiếc Fortress sau đó phải chịu đựng hỏa lực từ những chiếc máy bay tiêm kích Nhật, cho dù các thành viên đội bay đều an toàn trừ một người bị trầy xước bàn tay. Hoạt động của đối phương buộc phải chuyển điểm hạ cánh từ sân bay Hickam về sân bay Bellows, nơi chiếc máy bay hạ cánh chạy lố quá đường băng và lọt vào một rãnh nơi nó tiếp tục bị bắn phá. Thoạt xem có vẻ như sửa chữa được, chiếc máy bay số hiệu 40-2049 thuộc Liên đội Ném bom 11/Phi đội Trinh sát 38 trúng phải hơn 200 lỗ đạn và không bao giờ cất cánh nữa. Mười trong số 12 chiếc Fortress đã sống sót qua cuộc tấn công này.[60]

Chiếc B-17E số hiệu 41-9211 Typhoon McGoon II thuộc Liên đội Ném bom 11/Phi đội Ném bom 98, tháng 1 năm 1943 tại New Caledonia. Lưu ý ăn-ten radar bên trên mũi máy bay bằng plexiglass sử dụng cho việc theo dõi tàu bè trên mặt nước.

Vào năm 1941, Không lực Viễn Đông (FEAF) đặt căn cứ tại sân bay Clark tại Philippine có 35 chiếc B-17, và kế hoạch của Bộ Chiến tranh sẽ nâng số lượng này lên 165 chiếc. Khi họ nhận được những tin tức đầu tiên về cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Tướng Lewis H. Brereton dự định tung những chiếc máy bay ném bom và máy bay tiêm kích của ông ra hoạt động trong nhiều phi vụ tuần tra khác nhau nhằm tránh cho chúng không bị bắt gặp trên mặt đất. Brereton vạch kế hoạch sử dụng B-17 để không kích vào các sân bay Nhật Bản tại Đài Loan theo như hướng dẫn của Kế hoạch Chiến tranh Rainbow 5, nhưng việc này bị Tướng Douglas MacArthur bác bỏ. Một loạt các cuộc tranh luận bàn cãi, tiếp nối bằng nhiều sự nhầm lẫn và báo động phòng không giả, đã trì hoãn việc ra quyết định xuất kích. Đến lúc những chiếc B-17 và máy bay tiêm kích Curtiss P-40 theo hộ tống sắp cất cánh, chúng bị các máy bay ném bom Nhật Bản thuộc Phi đoàn 11 tiêu diệt. Không lực Viễn Đông bị tổn thất phân nửa số máy bay của nó ngay vào đợt tấn công đầu tiên, và tất cả số còn lại cũng bị tiêu diệt vài ngày sau đó.

Một trận giáp chiến khác xảy ra vào đầu Thế Chiến II tại Mặt trận Thái Bình Dương là vào ngày 10 tháng 12 năm 1941, khi phi công Colin Kelly được báo cáo đã đâm chiếc B-17 của mình vào thiết giáp hạm Haruna, nhưng sau đó được xác minh chỉ là một quả bom ném suýt trúng tàu tuần dương hạng nặng Ashigara. Dù sao, hành động này cũng khiến anh ta được xem như một anh hùng. Chiếc B-17C số hiệu 40-2045 của Kelly (Liên đội Ném bom 19/Phi đội Ném bom 30) bị rơi cách căn cứ Clark 10 km (6 dặm) sau khi anh ta đã cố giữ thăng bằng chiếc Fortress đã bốc cháy đủ lâu để các thành viên khác trong đội bay còn sống sót kịp thoát ra ngoài. Kelly đã được truy tặng Huân chương Chữ thập Dũng cảm.[61] Phi công Ách Nhật Bản Saburo Sakai được ghi nhận đã thực hiện chiến công này, sau đó ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với khả năng chịu đựng hư hại của kiểu máy bay Fortress.[62]

Một chiếc B-17D bị quân Nhật chiếm được, sơn huy hiệu Hinomaru.

B-17 được sử dụng trong các trận chiến ban đầu tại Thái Bình Dương nhưng đem lại ít kết quả, đáng kể là trong các Trận chiến biển CoralTrận Midway. Trong lúc đó, những chiếc B-17 thuộc Không lực 5 được giao nhiệm vụ phá vỡ các đường vận chuyển trên biển của Nhật. Học thuyết của Không lực hướng dẫn việc bay ném bom từ tầm cao, nhưng được phát hiện không lâu sau đó là chỉ có 1% bom trúng đích. Dù sao, B-17 hoạt động ở độ cao lớn đến mức đa số những chiếc máy bay tiêm kích A6M Zero không thể đạt tới, và trang bị vũ khí phòng thủ rất mạnh của chiếc B-17 là quá đủ cho những chiếc máy bay tiêm kích Nhật Bản vốn được bảo vệ khá mong manh.

Chỉ huy của Không lực 5, Trung tướng George Kenney, là một người rất hâm hộ kỹ thuật mới cắt ném bom (skip bombing) (một kỹ thuật ném bom mà bom được thả ở độ cao rất thấp, khiến bom chạm mặt nước ở một góc đủ nông để nó được "cắt" hay uốn cong xuống). Vào ngày 2 tháng 3 năm 1943, sáu chiếc B-17 thuộc Phi Đội 64 đã tấn công một đoàn tàu vận tải binh lính từ độ cao 3 km (10.000 ft) trong giai đoạn đầu của trận chiến biển Bismarck ngoài khơi New Guinea, đã áp dụng cách cắt bom và đánh chìm ba tàu buôn Nhật, trong đó có chiếc Kyokusei Maru.[63] Một chiếc B-17 đã bị máy bay A6M Zero xuất phát từ New Britain bắn rơi, và sau đó viên phi công Nhật này đã dùng súng máy bắn vào một vài thành viên đội bay B-17 khi họ hạ xuống bằng dù rồi tiếp tục tấn công họ trên mặt nước.[64] Sau đó, 13 chiếc B-17 đã ném bom đoàn tàu vận tải này từ độ cao trung bình, khiến các con tàu phải phân tán và kéo dài hành trình. Cuối cùng tất cả đoàn tàu vận tải đều bị tiêu diệt do sự phối hợp tấn công càn quét tầm thấp của những chiếc Beaufighter của Không quân Hoàng gia Úc, và việc cắt ném bom của những chiếc B-25 Mitchell của Không lực Mỹ ở độ cao 30 m (100 ft), trong khi những chiếc B-17 có được năm quả bom ném trúng đích ở tầm cao.[65]

Chỉ có năm liên đội B-17 hoạt động tại Mặt trận Tây Nam Thái Bình Dương. Vào lúc cao điểm có 168 chiếc máy bay ném bom B-17 hoạt động tại mặt trận này vào thời điểm tháng 9 năm 1942, tất cả đều chuyển sang loại máy bay khác vào giữa năm 1943.

Phòng vệ những chiếc máy bay ném bom

Một phần của dòng máy bay B-17 của Không lực Mỹ lên đến trên 1.000 chiếcĐội hình B-17 đang bay qua lưới lửa pháo phòng không dày đặc trên bầu trời Merseburg, Đức

Trước khi có việc hộ tống tầm xa bằng máy bay tiêm kích, những chiếc B-17 chỉ có thể dựa vào những khẩu súng máy M2 Browning 12,7 mm (0,50 in) để tự vệ trong khi ném bom bên trên bầu trời châu Âu. Khi cuộc chiến ngày càng ác liệt, Boeing sử dụng những thông tin phản hồi từ các đội bay để cải tiến các phiên bản mới hơn với số vũ khí và vỏ giáp ngày càng tăng.[66] Số lượng súng máy phòng thủ tăng từ bốn khẩu súng máy 12,7 mm (0,50 in) và một khẩu súng máy 7,62 mm (0,30 in) trước mũi của phiên bản B-17C, lên đến 13 khẩu súng máy 12,7 mm (0,50 in) trên phiên bản B-17G. Nhưng vì những chiếc máy bay ném bom không thể cơ động khi bị các máy bay tiêm kích tấn công, và trong những phút cuối cùng bay ném bom nó cần phải bay ngang và thẳng, những chiếc máy bay đơn lẻ phải nỗ lực để né tránh những cú tấn công trực tiếp.

Một cuộc điều tra của Không lực Mỹ tiến hành năm 1943 tìm thấy rằng trên phân nửa các máy bay ném bom bị Đức bắn rơi đã rời bỏ sự bảo vệ của đội hình chính.[67] Để đối phó vấn đề này, Không lực Mỹ đã đề ra một nhóm đội hình máy bay ném bom, sẽ phát triển thành kiểu đội hình chiến đấu hình hộp so le, nơi mà tất cả những chiếc B-17 có thể an toàn che chở bất kỳ máy bay nào khác trong đội hình với những khẩu súng máy, làm cho đội hình những chiếc máy bay ném bom là một mục tiêu nguy hiểm cho máy bay tiêm kích địch đến tấn công.[48][68] Tuy nhiên, việc sử dụng một đội hình cứng nhắc như thế có nghĩa là từng máy bay riêng rẽ không thể thực hiện những cơ động lẩn tránh: Chúng phải luôn luôn bay thành một đường thẳng, làm cho chúng trở nên mong manh trước những khẩu pháo phòng không 88 mm của Đức. Thêm vào đó, những chiếc máy bay tiêm kích Đức sau này áp dụng chiến thuật bắn phá lướt qua tốc độ cao thay vì nghênh chiến từng chiếc máy bay một, cho phép gây thiệt hại nhiều nhất với nguy cơ tối thiểu.

Kết quả là, tỉ lệ tổn thất của B-17 cao đến 25% trong một số phi vụ lúc đầu (60 trong tổng số 291 chiếc B-17 bị mất trong chiến đấu trong đợt không kích thứ hai nhắm vào Schweinfurt[69]), và phải cho đến khi có sự tham gia của việc hộ tống tầm xa bằng máy bay tiêm kích hiệu quả (đặc biệt là bởi những chiếc P-51 Mustang), làm suy yếu lực lượng máy bay tiêm kích đánh chặn Đức giữa tháng 2tháng 6 năm 1944, mà những chiếc B-17 mới trở nên lực lượng chiến lược đầy uy lực.

Chiếc B-17 được ghi nhận là có khả năng chịu đựng hư hại trong chiến đấu mà vẫn đến ̣được mục tiêu và đưa đội bay quay về căn cứ an toàn. Wally Hoffman, một phi công B-17 của Không Lực 8 trong Thế Chiến II, đã nói: "Chiếc máy bay có thể bị cắt và chém hầu như ra thành từng mảnh do hỏa lực đối phương và vẫn có thể mang đội bay của nó quay về nhà."[70] Martin Caidin báo cáo về một tình huống mà một chiếc B-17 bị va chạm trên không cùng một chiếc Focke-Wulf 190, mất một động cơ và bị hư hại nghiêm trọng cả cánh ổn định ngang bên phải cùng cánh đuôi, và bị loại ra khỏi đội hình do cú va chạm. Chiếc máy bay được báo cáo bởi các quan sát viên là bị bắn rơi, nhưng nó vẫn sống sót và đưa được đội bay quay về mà không bị thương tích gì.[71] Sự bền bỉ của nó đã bù đắp nhiều hơn cho tầm bay ngắn hơn và tải trọng bom ít hơn khi so với những chiếc máy bay ném bom hạng nặng Consolidated B-24 Liberator hoặc chiếc Avro Lancaster Anh Quốc. Những câu chuyện đầy dẫy về những chiếc B-17 quay về căn cứ với đuôi bị phá hủy, chỉ còn một động cơ hoạt động, hay thậm chí một diện tích cánh lớn bị pháo phòng không gây hư hại.[72] Sự bền bỉ này, cùng với số lượng lớn máy bay hoạt động trong Không lực 8 và danh tiếng mà chiếc "Memphis Belle" đạt được, làm cho chiếc B-17 trở thành máy bay ném bom nổi bật nhất trong cuộc chiến tranh.

Thiết kế của chiếc B-17 trải qua tám thay đổi lớn trong suốt quá trình sản xuất, tích lũy lại nơi phiên bản B-17G, khác biệt phiên bản ngay trước nó bằng việc bổ sung một tháp súng "cằm" gồm hai súng máy 12,7 mm (0,50 inch) M2 Browning dưới mũi máy bay. Điều này đã cho phép hạn chế được điểm yếu kém chính trong phòng thủ của chiếc B-17 khi bị tấn công trực diện.

B-17 và Không quân Đức

Chiếc B-17F-5-BO All American, số hiệu 41-24406, thuộc Phi đội 414, Liên đội 97 sau khi va chạm với một chiếc Fw 190 ngày 1 tháng 2 năm 1943 trong một phi vụ đến Bizerte. Trung úy phi công Kendrick R. Bragg mang được máy bay quay về căn cứ an toàn, nơi nó được sửa chữa và tiếp tục hoạt động cho đến khi bị thải hồi ngày 6 tháng 3 năm 1945. Ảnh do đồng đội trên chiếc Fortress 41-24412 chụp.

Sau khi khảo sát xác những chiếc B-17 và B-24 bị bắn rơi, các quan chức Không quân Đức khám phá ra rằng phải bắn trúng ít nhất 20 phát đạn pháo MG 151 20 mm (0,79 inch) bắn từ phía sau mới có thể bắn hạ một chiếc B-17. Những phi công với khả năng trung bình chỉ có thể bắn trúng những chiếc máy bay ném bom với khoảng 2% số đạn bắn ra, cho nên để đạt được 20 phát trúng, một phi công trung bình phải ngắm bắn khoảng một ngàn quả đạn pháo 20 mm (0,79 inch) vào chiếc máy bay ném bom. Những phiên bản đầu tiên của chiếc Fw 190, một trong những máy bay tiêm kích đánh chặn tốt nhất của Đức, được trang bị hai pháo MG FF 20 mm (0,79 inch) và chỉ mang theo được 500 quả đạn. Tầm bắn 400 m của chiếc máy bay tiêm kích cũng ngắn hơn tầm bắn 1.000 m của chiếc B-17, nên nó trở nên mong manh khi tiếp cận chiếc máy bay ném bom, cho dù sau đó với kiểu pháo Mauser MG 151/20 tốt hơn, có tầm bắn hiệu quả cao hơn so với kiểu MG FF. Phi công tiêm kích Đức nhận ra rằng khi tấn công trực diện, nơi có ít khẩu súng phòng thủ được ngắm đến, chỉ cần bốn hay năm phát trúng là có thể bắn hạ chiếc máy bay ném bom.[73] Để sửa chữa thiếu sót của chiếc Fw 190, số khẩu pháo trên chiếc máy bay tiêm kích được tăng gấp đôi thành bốn khẩu và số lượng đạn cũng được tăng thên tương ứng, và đến năm 1944 được nâng cấp lên kiểu pháo Rheinmetall-Borsig MK 108 30 mm (1,2 inch), cho phép bắn hạ chiếc máy bay ném bom chỉ trong vài phát trúng.

Không quân Đức cũng áp dụng vào giữa tháng 8 năm 1943, như một kiểu tấn công "cân bằng", loại vũ khí cối rocket Werfer-Granate 21 (Wfr. Gr. 21) phóng ra từ những ống phóng hình trụ gắn một chiếc cố định dưới mỗi cánh trên những chiếc máy bay tiêm kích một động cơ của Không quân Đức, và hai ống phóng dưới mỗi cánh trên một số chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng ban ngày Bf 110, với kỳ vọng chúng sẽ là vũ khí chống ném bom chủ lực. Tuy nhiên, do tính chất đường đạn đi xuống của rocket khi bắn ra, ngay cả khi ống phóng được gắn chếch lên một góc 15°, và cũng do số ít máy bay được trang bị loại vũ khí này, kiểu cối rocket Wfr.Gr. 21 chưa bao giờ có ảnh hướng lớn đến đội hình chiến đấu của những chiếc Fortress. Cũng phải kể đến những nỗ lực của Không quân Đức nhằm trang bị các khẩu pháo cỡ lớn Bordkanone cỡ nòng 37, 50 và thậm chí là 75 mm (2,95 inch) trên những máy bay hai động cơ như là kiểu tiêm kích đặc biệt Ju 88P, và ngay cả trên một phiên bản của kiểu máy bay Me 410 Hornisse. Dù sao, các loại vũ khí chống ném bom này ít có hiệu quả trên các đợt tấn công ném bom chiến lược của Hoa Kỳ.

Chiếc Me 262 cũng ghi được những thắng lợi trung bình trên chiếc B-17 trong giai đoạn sau của cuộc chiến. Với vũ khí trang bị thường xuyên gồm bốn pháo MK 108 gắn trước mũi, và trên một số phiên bản còn được trang bị rocket R4M mang trên đế dưới cánh, nó có thể bắn từ bên ngoài tầm của những khẩu súng máy 0,50 in phòng thủ của chiếc máy bay ném bom, và bắn hạ nó chỉ với một phát trúng duy nhất.[74]

Chiếc B-17F-27-BO do Không quân Đức chiếm được, nguyên là máy bay của Không lực Mỹ tên "Wulf Hound", số hiệu 41-24585, thuộc Phi đội 360, Liên đội Ném bom 303, bị mất tích trong hoạt động vào ngày 16 tháng 10 năm 1942. Được đưa ra hoạt động trong Phi đoàn Chiến đấu 200 Không quân Đức.

Trong Thế Chiến II, sau khi bị rơi hoặc buộc phải hạ cánh, có khoảng 40 chiếc B-17 bị Không quân Đức chiếm giữ và tân trang, và khoảng một tá chiếc được đưa trở lại hoạt động. Được sơn màu của Đức và mang tên hiệu "Dornier Do 200"[75], những chiếc B-17 chiếm giữ được Không quân Đức sử dụng trong các phi vụ do thám bí mật và trinh sát, hầu hết là bởi một đơn vị Không quân Đức bí mật được biết dưới tên gọi Phi đoàn Chiến đấu 200 (Kampfgeschwader 200). Một chiếc B-17 thuộc phi đoàn KG 200này, mang ký hiệu Không quân Đức A3+FB, bị Tây Ban Nha chiếm giữ khi nó hạ cánh xuống sân bay Valencia vào ngày 27 tháng 6 năm 1944, và ở lại đó cho đến hết chiến tranh. Một số chiếc B-17 vẫn giữ lại các phù hiệu của Đồng Minh và được sử dụng trong các ý định xâm nhập vào các đội hình B-17 để báo các về vị trí và cao độ của các nhóm này. Việc thực hành này ban đầu khá thành công, nhưng các đội bay Không lực Mỹ nhanh chóng phát triển và thành lập các quy trình chuẩn để trước tiên cảnh báo, rồi sau đó khai hỏa vào mọi "kẻ lạ" cố xâm nhập vào đội hình của nhóm.[12] Những máy bay B-17 khác được sử dụng để xác định những điểm dễ tổn thương của loại máy bay này và để huấn luyện chiến thuật cho các phi công tiêm kích đánh chặn Đức.[76] Một ít máy bay vẫn còn sống sót và được phe Đồng Minh tìm thấy sau chiến tranh.

Hoạt động sau chiến tranh

Không quân Hoa Kỳ

Sau Thế Chiến II, chiếc B-17 được xem là đã lạc hậu và hầu hết máy bay của Không lực Lục quân Mỹ được cho nghỉ hưu. Các đội bay mang chiếc máy bay ném bom của họ băng qua Đại Tây Dương trở về Mỹ, nơi hầu hết được tháo dỡ và nấu chảy. Sau khi được thành lập như một binh chủng độc lập vào năm 1947, Không quân Hoa Kỳ sử dụng những chiếc B-17 Flying Fortress (ban đầu được gọi là F-9 do từ Fotorecon, trinh sát hình ảnh, sau này là RB-17) cho Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược (SAC) từ năm 1946 đến năm 1951. Dịch vụ cứu nạn Không quân Hoa Kỳ trực thuộc Dịch vụ Vận tải Hàng không Quân sự (MATS, Military Air Transport Service) cũng sử dụng những chiếc phiên bản SB-17, còn được gọi là máy bay cứu nạn hàng hải "Dumbo", từ cuối những năm 1940 đến giữa những năm 1950.

Vào cuối những năm 1950, những chiếc B-17 cuối cùng còn hoạt động cùng Không quân Hoa Kỳ là những phiên bản QB-17 giả lập mục tiêu, DB-17P điều khiển mục tiêu giả, và một ít chiếc máy bay vận tải VIP VB-17. Phi vụ cuối cùng do một chiếc Fortress Không quân thực hiện diễn ra vào ngày 6 tháng 8 năm 1959, khi chiếc DB-17P số hiệu 44-83684 điều khiển một chiếc QB-17G số hiệu 44-83717 bên trên Căn cứ Không quân Holloman, New Mexico làm giả một mục tiêu cho cuộc thử nghiệm bắn tên lửa không-đối-không Falcon từ một máy bay tiêm kích F-101 Voodoo. Một buổi lễ nghỉ hưu được tổ chức nhiều ngày sau đó tại căn cứ Holloman, sau đó chiếc 44-83684 được chuyển về Trung tâm Tồn trữ và Loại bỏ máy bay quân sự (MASDC) ở Căn cứ Không quân Davis-Monthan, Arizona. Chiếc Memphis Belle, có lẽ là chiếc B-17 nổi tiếng nhất, được bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ chọn lựa để khôi phục lại kiểu dáng nguyên thủy thời chiến tranh.[77]

Hải quân và Tuần duyên Hoa Kỳ

Trong năm cuối cùng của chiến tranh và ít lâu sau đó, Hải quân Hoa Kỳ sở hữu 48 chiếc B-17 nguyên của Không lực Mỹ dành cho việc tuần tra và cứu nạn trên biển. Thoạt tiên, những chiếc máy bay này hoạt động dưới tên gọi gốc của Không lực, nhưng vào ngày 31 tháng 7 năm 1945 chúng được đặt tên riêng PB-1 theo hệ thống đặt tên của Hải quân, tên này trước đây từng được đặt cho một kiểu thủy phi cơ thử nghiệm vào năm 1925. Vì tất cả những chiếc Fortress liên quan đều do Douglas hoặc Lockheed chế tạo chứ không do Boeing, một tên gọi hợp lý hơn dành cho chúng phải là P4D-1W hay P3V-1G tương ứng.

Trong một chương trình gọi là Cadillac II, Hải quân Mỹ trang bị hệ thống radar AN/APS-20 trên chiếc B-17G, và đặt tên cho nó là PB-1W.

Hai mươi bốn chiếc B-17G (bao gồm một chiếc B-17F được cải biến lên tiêu chuẩn G) được Hải quân sử dụng dưới tên gọi PB-1W, trong đó ký tự W tượng trưng chiến tranh chống tàu ngầm (antisubmarine warfare). Một vòm lớn chứa radar dò tìm AN/APS-20 được gắn bên dưới thân, đồng thời những thùng nhiên liệu phụ bên trong thân được bổ sung nhằm đạt được tầm bay xa hơn. Những chiếc máy bay này được sơn màu xanh dương đậm tiêu chuẩn của Hải quân, vốn được bắt đầu áp dụng từ cuối năm 1944. Đa số những máy bay này do Douglas chế tạo, bay trực tiếp từ xưởng ở Long Beach đến đơn vị Cải biến Máy bay Hải quân tại các căn cứ không lực hải quân Johnsville và Warminster thuộc Pennsylvania vào mùa Hè năm 1945, nơi những bộ radar APS-20 được trang bị. Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc trước khi có bất kỳ chiếc PB-1W nào được bố trí hoạt động, và các vũ khí phòng thủ sau đó bị loại bỏ.

Một vài chiếc PB-1W đầu tiên được gửi đến Phi đội Tuần tra Ném bom VPB-101 (Patrol Bomber) vào tháng 4 năm 1946. Kiểu máy bay PB-1W sau đó trong thực tế trở thành máy bay cảnh báo sớm do hệ thống radar APS-20 trang bị cho nó. Đến năm 1947, PB-1W được bố trí đến các đơn vị hoạt động của cả hạm đội Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương. Phi đội VPB-101 tại bờ Đông được đổi tên thành Phi đội Thử nghiệm và Đánh giá VX-4 (Air Test and Evaluation) và được chuyển đến Căn cứ Không lực Hải quân Quonset Point, Rhode Island. Vào năm 1952 Phi đội VX-4 lại được đổi tên thành Phi đội VW-2 (Airborne Early Warning) và được chuyển đến Căn cứ Không lực Hải quân Patuxent River, Maryland. Nhiệm vụ chủ yếu của VW-2 là cảnh báo sớm, và vai trò phụ là tuần tra chống tàu ngầm và trinh sát chống bão. Phi đội VW-1 được thành lập vào năm 1952 với bốn chiếc PB-1W tại Căn cứ Không lực Hải quân Barbers Point, Hawaii với những đơn vị được rút ra từ Phi đội Hỗn hợp hạm đội VC-11 tại Căn cứ Không lực Hải quân Miramar và Phi đội Tuần tra VP-51 tại Căn cứ Không lực Hải quân North IslandSan Diego, California. Vai trò của Phi đội VW-1 cũng tương tự như của VW-2.

PB-1W tiếp tục phục vụ trong Hải quân Mỹ cho đến năm 1955, được thay thế dần do sự ưa chuộng chiếc Lockheed WV-2 (được biết đến trong Không quân Mỹ dưới tên gọi EC-121), một phiên bản quân sự của kiểu máy bay hành khách dân dụng Lockheed 1049 Constellation. Những chiếc PB-1W nghỉ hưu được cho chuyển đến Trung tâm Tồn trữ Máy bay Hải quân tại Căn cứ Không lực Hải quân Litchfield Park, Arizona và được loại bỏ vào giữa năm 1956. Nhiều chiếc được bán do dư thừa và được đăng ký thành máy bay dân dụng, và 13 chiếc được bán để tháo dỡ.

Hai chiếc B-17 nguyên của Không lực Mỹ được Hải quân sử dụng dưới tên gọi XPB-1 dành cho nhiều chương trình phát triển khác nhau. Chiếc thứ nhất được chuyển cho Hải quân vào tháng 6 năm 1945, chiếc thứ hai vào tháng 8 năm 1946. Chiếc thứ hai được Phòng thí nghiệm Hàng không Cornell sử dụng trong một chương trình thử nghiệm động cơ phản lực trước khi loại bỏ vào năm 1955.

Vào tháng 5 năm 1947, có thêm sáu chiếc B-17G không rõ số hiệu được chuyển cho Hải quân và được gán lại số hiệu từ 83993 đến 83998. Chúng được chứa tại Căn cứ Không lực Hải quân Corpus Christi, Texas cho đến ngày 31 tháng 8 năm 1947, khi chúng được loại bỏ sau khi không có nhu cầu sử dụng. Có thêm hai chiếc PB-1 được chuyển cho Hải quân vào năm 1950, những chiếc này nguyên của Không quân đã cải biến hai chiếc EB-17G thành cấu hình PB-1W để tham gia các chương trình thử nghiệm. Sau khi hoàn tất các thử nghiệm, những chiếc này được chuyển cho Hải quân.

Chiếc PB-1G thuộc lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Kodiak, Alaska.

Mười bảy chiếc B-17G Không lực do Vega chế tạo được lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ sử dụng dưới tên gọi PB-1G. Vào tháng 7 năm 1945, 18 chiếc B-17 được Không lực Mỹ dành riêng ra để chuyển cho Tuần duyên Mỹ thông qua Hải quân. Những máy bay này ban đầu mang số hiệu của hải quân và chiếc PB-1G đầu tiên được giao cho lực lượng Tuần duyên vào tháng 7 năm 1946. Trong thực tế chỉ có mười lăm chiếc PB-1G được giao, và lực lượng Tuần duyên sở hữu thêm một máy bay nữa trực tiếp từ Không quân Mỹ vào năm 1947.

Những chiếc PB-1G của lực lượng Tuần duyên Mỹ được bố trí khắp Bắc Bán cầu, với năm chiếc tại Căn cứ Không lực Tuần duyên Elizabeth City, North Carolina, hai chiếc tại Căn cứ Không lực Tuần duyên San Francisco, hai chiếc tại Căn cứ Không lực Hải quân Argentia, Newfoundland, một chiếc tại Căn cứ Không lực Tuần duyên Kodiak, Alaska, và một chiếc tại tiểu bang Washington. Chúng được sử dụng chủ yếu cho việc cứu nạn hàng hải, nhưng cũng được dùng cho việc tuần tra băng trôi và chụp ảnh bản đồ. Những chiếc PB-1G cứu nạn hàng hải thường mang theo một bè cứu sinh thả được bên dưới thân, và được sơn màu vàng-đen truyền thống của việc cứu nạn. Tháp pháo dưới cằm thường được thay thế bằng một vòm radar. Trong những năm sau chiến tranh, PB-1G Tuần duyên Mỹ được sơn huy hiệu quốc gia trên cánh đuôi đứng thay vì trên thân máy bay, một điều mà những chiếc máy bay cánh cố định của lực lượng này vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay. Chúng tiếp tục phục vụ trong vài trò này cho đến hết thập niên 1950, khi chiếc cuối cùng được rút khỏi phục vụ vào ngày 14 tháng 10 năm 1959. Chiếc máy bay cuối cùng được bán do dư thừa, được sử dụng nhiều năm như một máy bay chở dầu, và ngày nay được trưng bày tại Arizona.[78]

Các ứng dụng khác

Hiện nay còn khoảng một tá chiếc B-17 còn bay được trong khoảng năm chục khung máy bay còn sống sót. Nhiều chiếc trong số này là những máy bay dư thừa hoặc máy bay huấn luyện, vốn được giữ lại Mỹ trong Thế Chiến II. Tuy nhiên, cũng có vài ngoại lệ.

Nhiều chiếc B-17 cùng với các kiểu máy bay ném bom khác thời Thế Chiến II được chuyển sang làm máy bay hành khách dân dụng. Những chiếc B-17 khác kéo dài thời gian phục vụ của nó như những máy bay phun thuốc trừ sâu tại vùng Đông Nam Hoa Kỳ, hoặc máy bay chở nước trên không dùng để chống lại cháy rừng vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.[79]